5 loại dung dịch trên ô tô cần được kiểm tra và thay thế định kỳ - Hyundai Sơn Trà

0941.555.404

5 loại dung dịch trên ô tô cần được kiểm tra và thay thế định kỳ

5 loại dung dịch trên ô tô cần được kiểm tra và thay thế định kỳ

Trên ô tô có các loại dung dịch góp phần duy trì hoạt động của động cơ, hộp số, hệ thống phanh… theo thời gian sử dụng, các dung dịch này cần được được bổ sung và thay thế định kỳ.

Sau một thời gian sử dụng, các loại dung dịch trên ô tô sẽ bị hao hụt, xuống cấp và cần được bổ sung thay thế. Tuy nhiên, không phải tài xế nào cũng nắm rõ thời gian, cách thức kiểm tra và thay thế đúng lúc.

Theo lời khuyên của các chuyên gia, tùy thuộc vào điều kiện, thời gian sử dụng ô tô, tài xế nên thường xuyên kiểm tra dầu nhớt động cơ, nước làm mát, dầu phanh, dầu trợ lực lái hay kể cả nước rửa kính… để kịp thời bổ sung, thay thế góp phần giúp xe vận hành ổn định và an toàn.

1. Dầu nhớt động cơ ô tô

Dầu nhớt máy đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hoạt động của hệ thống động cơ. Dung dịch này có tác dụng bôi trơn, làm giảm ma sát và làm sạch các chi biết bên trong động cơ. Mỗi khi động cơ hoạt động, quá trình đốt cháy sẽ tạo ra nhiều muội than, cặn bẩn… dầu động cơ sẽ làm sạch bề mặt các bộ phận và lưu giữ trong dầu. Vì vậy, sau một thời gian sử dụng dầu nhớt động cơ thường bị biến sắc, xuống cấp làm giảm khả năng bôi trơn.

Với những xe mới sử dụng lần đầu, các chuyên gia khuyến cáo nên thay dầu nhớt sau 1.000 km đầu tiên, để loại bỏ mạt kim loại, cặn bẩn xót lại trong động cơ sau khi gia công. Sau đó, thay dầu động cơ ô tô sau khi xe vận hành khoảng 5.000km.

Que thăm dầu có tay nắm nằm trên phần động cơ, khi mở nắp capô xe sẽ nhìn thấy dễ dàng. Trên que thăm dầu đều có hai nấc max và min, mức dầu phải nằm trong mức này mới đảm bảo động cơ hoạt động tốt. Theo kinh nghiệm của những người dùng ô tô, cách kiểm tra dầu máy chính xác nhất khi động cơ nguội. Bên cạnh đó, hãy quan sát màu sắc dầu bám trên đầu que thăm dầu. Nếu dầu vẫn giữ màu vàng mật hay màu hổ phách là dấu hiệu tốt. Nếu dầu chuyển màu đen đặc hoặc màu cà phê đặc thì bạn cần phải thay dầu động cơ ngay.

2. Nước làm mát xe ô tô.

Đúng như tên gọi “nước làm mát” đóng vai trò giải nhiệt cho động cơ trong quá trình hoạt động. Khi xe hoạt động ngoài việc sức nóng tỏa ra không khí thì nước làm mát sẽ trung chuyển nhiệt lượng từ thân động cơ ra két làm mát.

Nếu lượng nước làm mát không đảm bảo sẽ gây ra hậu quả khôn lường cho động cơ ô tô. Vì vậy, tài xế nên thường xuyên theo dõi mực nước làm mát để bổ sung hoặc thay thế đảm bảo quá trình giải nhiệt cho động cơ.

Bình chứa nước làm mát thường được bố trí trong khoang động cơ. Phải đảm bảo mực nước làm mát trong bình nước phụ luôn nằm ở giữa vị trí “Full” và “Low” hay ký hiệu “Min”, “Max”. Theo khuyến cáo, cần thay thế nước làm mát động cơ sau 40.000 km để tránh làm thay đổi thành phần hóa học trong dung dịch này. *Tuyệt đối không mở nắp két nước khi máy đang nóng.

3. Dầu phanh.

Đa số các mẫu ô tô hiện nay đều sử dụng hệ thống phanh thủy lực. Trong đó, dầu phanh đóng vai trò truyền lực từ bàn đạp phanh qua bơm cao áp chứa dầu (heo dầu) đến bốn bánh xe.

Theo thời gian sử dụng dầu phanh sẽ bị hao mòn, chứa cặn bẩn trong quá trình truyền lực dẫn đến làm giảm hiệu quả, độ chính xác khi người lái đạp phanh, ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn. Vì vậy, tài xế cần thường xuyên kiểm tra dầu phanh. Dung dịch này thường có một bình chứa riêng và chia theo các mức “Min”, “Max” để dễ nhận biết.

Dầu phanh thường có màu trong suốt, sau một thời gian sử dụng sẽ khiến dung dịch dầu chuyển sang màu vàng nhạt hay xanh rêu. Nên thay mới dầu phanh sau 40.000 km hoặc từ 2 – 3 năm sử dụng xe. Dù thời gian sử dụng lâu nhưng đừng quên kiểm tra thường xuyên.

4. Nước rửa kính.

Nước rửa kính có tác dụng làm sạch bề mặt kính lái, đảm bảo tầm quan sát cho tài xế. Một số xe sẽ có đèn báo trên bảng điều khiển trung tâm khi nước rửa kính không đủ mức quy định để người lái nhận biết.

Trong quá trình sử dụng, nên chú ý kiểm tra, bổ sung dung dịch nước rửa kính để đảm bảo kính lái luôn được làm sạch khi cần thiết.

5. Dầu trợ lực lái.

Một số dòng ô tô hiện nay sử dụng hệ thống trợ lực tay lái thủy lực, giúp tài xế đánh lái nhẹ nhàng hơn khi xe di chuyển. Hệ thống lái trợ lực tay lái bằng thuỷ lực có cấu tạo gồm các bộ phận cơ bản như bơm thủy lực, van phân phối, xi lanh và các đường ống dẫn dầu.

Trong đó, dầu trợ lực tay lái đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo hoạt động của hệ thống này. Nếu mức dầu không đảm bảo, sẽ ảnh hưởng đến quá trình truyền lực, tay lái trở nên nặng hơn hoặc phát ra tiếng ồn khi đánh lái.

Tương tự như dầu phanh, dầu trợ lực tay lái cũng sẽ bị cáu bẩn, xuống cấp sau một thời gian sử dụng và cần được thay thế. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện dầu trợ lực lái có màu nâu hoặc đen, thì dầu đã bị bẩn. Nên đưa xe đến các hãng xe để kiểm tra xem thay thế.

Để xe luôn bền bỉ và không hỏng vặt, bạn nên tuân thủ lịch bảo dưỡng định kỳ theo các mốc 1.000km, 5.000km, 10.000km… đối với xe mới. Riêng xe cũ, ngoài các mốc bảo dưỡng cách nhau 5.000 km, nên duy trì thăm khám ít nhất trong 6 tháng nếu xe ít sử dụng.

Hãy để chúng tôi chăm sóc “xế cưng” của bạn vì chỉ có ở Hyundai Sơn Trà mới biết chính xác tình trạng sức khỏe xe của bạn.


Thông tin liên hệ
?HYUNDAI SƠN TRÀ
?Địa chỉ: 286 đường Phạm Hùng – Đà Nẵng
?Hotline: 0941 555 404 ?Website: hyundai-sontra.vn